Thành phố Hà Tiên nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang là nơi sở hữu đa dạng địa hình gồm: đồng bằng, đồi núi, sông hồ, đầm, biển đảo… Tất cả tạo nên một cảnh sắc thơ mộng hữu tình được nhà thơ Đông Hồ ca ngợi như một “Việt Nam thu nhỏ”. Ngoài ra nơi đây còn kết tinh văn hóa của 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa với những Lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc địa phương, ẩm thực phong phú và kho tàng văn học đặc sắc. Hãy cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại và du lịch Hà Tiên trải nghiệm những hoạt động thú vị diễn ra trong 12 tháng năm 2025 của Hà Tiên nhé!
Tháng 01: Thành phố biển Hà Tiên mừng xuân mới
Mùa xuân đang về khắp muôn nơi, hãy cùng gia đình, người thân, bạn bè khám phá những địa điểm du xuân hấp dẫn tại TP. Hà Tiên như:
Khu chợ hoa Xuân nằm trong Khu đô thị mới, phường Pháo Đài với ngàn hoa khoe sắc thắm, hứa hẹn sẽ là không gian thú vị thu hút khách du lịch và người dân địa phương đến mua hoa tết, chụp ảnh. Chợ Bách hóa tổng hợp Hà Tiên thuộc phường Bình San là nơi lý tưởng để mua sắm và chuẩn bị cho một mùa Tết đủ đầy. Chương trình nghệ thuật mừng năm mới tại Quảng trường Chiêu Anh Các, phường Đông Hồ với nhiều tiết mục ca nhạc, múa lân và các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm chào đón năm mới 2025.
Các khu, điểm du lịch Mũi Nai, Thạch Động, Đá Dựng với những cụm tiểu cảnh, điểm check-in và hoạt động hấp dẫn chào năm mới Ất Tỵ. Các địa điểm ẩm thực, vui chơi giải trí, khu chợ đêm tại Hà Tiên với các chương trình đặc biệt đa dạng, phù hợp với nhu cầu của nhiều lứa tuổi là nơi lý tưởng để trải nghiệm và khám phá Hà Tiên dịp đầu năm mới.
Tháng 02: Rực rỡ hoa đăng tại Lễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các
Cùng với sắc xuân đang ngập tràn muôn lối, Lễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các tại Hà Tiên, sẽ được diễn ra vào trung tuần tháng Giêng âm lịch (các ngày 13-14-15 tháng Giêng âm lịch) hằng năm để tri ân vị chủ soái Mạc Thiên Tích cùng những văn nhân, thi sĩ đã hội tụ về trấn Hà Tiên xưa và tạo nên một thi đàn văn học nức tiếng vào thế kỷ XVIII và giá trị quý báu đó còn mãi lưu truyền cho hậu thế ngày hôm nay.
Đây cũng là dịp công bố những tác phẩm mới, giao lưu giới văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh Kiên Giang và tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố thu hút hàng chục ngàn lượt du khách và người dân địa phương đến vui hội. Ấn tượng nhất là hình ảnh hàng nghìn chiếc đèn hoa đăng được thắp sáng trên đầm Đông Hồ vào đêm Rằm tháng Giêng âm lịch.
Tháng 03: Nét đẹp văn hóa và tín ngưỡng tại Lễ Kỳ yên Đình thần Thành hoàng Hà Tiên
Với người dân Nam bộ nói chung và vùng đất Hà Tiên nói riêng Đình thần là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng ghi dấu công lao của các bậc tiền nhân trong quá trình mở thôn, lập làng hình thành cộng đồng cư dân cùng nhau sinh sống. Trong mỗi đình thì điều có những vị thần cai quản, bảo hộ cho cư dân vùng đất được Quốc thái dân an, Mưa thuận gió hòa.
Tại thành phố Hà Tiên, nằm tại phường Đông Hồ có ngôi Đình thần Thành hoàng thờ tam vị Mạc Công (Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Mạc Tử Sanh), đây là tam vị đã được triều đình nhà Nguyễn sắc phong là Thượng đẳng thần che chở cho vùng đất Hà Tiên. Lễ Kỳ yên của Đình thần diễn ra vào các ngày từ 15 đến 17 tháng 02 âm lịch hàng năm thu hút đông đảo người dân địa phương và nhân dân từ các nơi lân cận đến tham gia Lễ hội.
Tháng 04: Khám phá vẻ đẹp hoang sơ và những trải nghiệm độc đáo xã đảo Tiên Hải (quần đảo Hải Tặc)
Thời tiết tháng 4 (tháng 3 âm lịch) rất lý tưởng cho các hoạt động du lịch biển, đảo. Tại Hà Tiên, ngoài các bãi biển thì du khách thường chọn hành trình vươn khơi tham quan Xã đảo Tiên Hải còn được gọi là Quần đảo Hải Tặc. Nơi đây nằm trong vịnh Thái Lan, thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Quần đảo gồm 16 hòn và 02 đá nổi được xem là một điểm đến hấp dẫn với vẻ đẹp hoang sơ, lịch sử đầy bí ẩn từng là căn cứ của cướp biển từ khoảng giữa thế kỷ XVIII cho đến những năm đầu của thế kỷ XX.
Ngày nay, quần đảo là một điểm đến thu hút du khách với những bãi cát trắng mịn, nước biển xanh trong và hệ sinh thái biển phong phú. Du khách có thể tham gia các hoạt động như: lặn biển, câu cá, khám phá các hòn, tham quan các bè nuôi cá, trải nghiệm của sống của cư dân địa phương và thưởng thức hải sản tươi ngon. Bên cạnh đó tham quan những địa điểm như cột mốc chủ quyền, Dinh Bà chúa Hòn, Sơn Hòa tự, nhà thờ Phanxico Xavie cũng là những hoạt động được yêu thích.
Tháng 05: Bãi biển Mũi Nai điểm đến không thể bỏ qua khi ghé thăm Hà Tiên
Bãi biển Mũi Nai cách trung tâm TP. Hà Tiên khoảng 5km, thuộc phường Pháo Đài, thành phố Hà Tiên. Cách đây 300 năm, nơi đây là một xóm chài nhỏ yên bình, thơ mộng với cảnh vật hòa quyện giữa non xanh và nước biếc, đã được đi vào thi ca với tên gọi “Lộc trĩ thôn cư”.
Mũi Nai ngày nay, là điểm đến hấp dẫn với bãi cát trắng mịn trãi dài. Bãi biển có hai bãi tắm là bãi trước và bãi sau với khí hậu ôn hòa quanh năm, nắng ấm thích hợp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho mọi lứa tuổi. Đặc biệt, do vị trí nằm trong khu vực phía Đông của vịnh Thái Lan nên nơi đây được xem là một trong những nơi lý tưởng để ngắm hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam.
Tháng 06: Lễ giỗ Đức Khai trấn Mạc Cửu: Tôn vinh công đức tiền nhân mở cõi
Lễ giỗ Đức Khai trấn Mạc Cửu là một sự kiện văn hóa tiêu biểu của tỉnh Kiên Giang, nhằm tri ân công lao của Tổng trấn Mạc Cửu người đã có công trong việc khai phá và phát triển vùng đất trấn Hà Tiên vào thế kỷ XVIII. Lễ giỗ diễn ra vào ngày 27 tháng 5 âm lịch hàng năm tại Đền thờ họ Mạc, dưới chân núi Bình San.
Các phần Lễ gồm khai lễ, nghinh thần, thỉnh sắc, tóm tắt tiểu sử và công đức của Đức Khai trấn Mạc Cửu và chương trình nghệ thuật tổng hợp thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Phần Hội diễn ra suốt trong một tuần với các hoạt động văn hóa, thể thao như: triển lãm đường phố, tuần lễ ẩm thực; biểu diễn võ thuật, múa lân sư rồng; khởi tranh các giải cầu lông, cờ vua, cờ tường, đua xe đạp và đặc biệt nhất là Giải kéo co khổng lồ với hàng nghìn người tham dự đã trở thành nét đẹp truyền thống mang đến không khí vui tươi, phấn khởi thể hiện tinh thần đoàn kết và giữ gìn các nét đẹp truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam.
Tháng 07: Ngắm nhìn sắc hoa phượng trên Núi Đá Dựng
Núi Đá Dựng nằm tại phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên tỉnh Kiên Giang. Đây là một ngọn núi Đá vôi có hình thang cân cao 83m với nhiều tầng lớp đá vôi tạo nên 14 hang động với hệ thống các nhũ đá, măng đá và cột đá đa dạng, nhiều màu sắc. Mỗi hang động là một câu chuyện riêng được kể gắn liền với những hình dạng kỳ thú cho du khách. Đến Đá Dưng để tìm hiểu về lịch sử đấu tranh hào hùng của quân và dân Hà Tiên ngay từ thế kỷ XVIII, trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam.
Vào dịp mùa hè, hình ảnh hoa phượng khoe sắc đỏ rực cung đường dẫn lên núi trông rất đẹp và thơ mộng. Sự kết hợp giữa màu đỏ rực của những cánh hoa phượng và màu trắng xám của núi tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy ấn tượng. Tại đây, ngoài được đắm mình trong sắc đỏ hoa phượng, du khách còn thỏa sức chụp ảnh với khung cảnh từ trên cao và khu vực công viên bờ hồ.
Tháng 08: Trải nghiệm vẻ đẹp thanh bình ban ngày và huyền ảo vào ban đêm của Đầm Đông Hồ
Bình minh tại Đầm Đông Hồ là một cảnh tượng tuyệt đẹp của vùng đất Hà Tiên. Khi mặt trời bắt đầu ló dạng, ánh nắng ban mai chiếu rọi xuống mặt đầm phản chiếu trên mặt nước tĩnh lặng tạo nên một khung cảnh lung linh huyền ảo. Đây cũng là thời điểm thích hợp để bắt trọn những khoảnh khắc tuyệt đẹp giữa núi non, đất trời cùng nhau hòa quyện tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động, đầy sức sống. Không những thế những tiếng chim hát líu lo, khu phố chợ tấp nập và không khí trong lành của một buổi sáng sớm mang lại cảm giác thư giãn và yên bình.
Khi màn đêm buông xuống, đầm Đông Hồ lại khoác lên mình một vẻ đẹp đầy duyên dáng, trữ tình. Đặc biệt vào những đêm trăng tròn, khi ánh sáng của vầng trăng soi xuống mặt nước, tạo nên một khung cảnh kỳ ảo nửa hư nửa thực như một tấm gương soi, phản chiếu cả một bầu trời rộng lớn thanh bình và tĩnh lặng. Trải nghiệm những thay đổi ngày và đêm của đầm mang đến cảm giác khác biệt và thú vị khó quên.
Tháng 09: Mùa Vu Lan báo hiếu, tưởng nhớ công ơn đấng sinh thành.
Mùa Vu lan báo hiếu vào tháng 7 âm lịch hàng năm là dịp để người dân Hà Tiên thể hiện lòng hiếu thảo và tri ân đối với cha mẹ và tổ tiên. Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tại Hà Tiên thường tổ chức các hoạt động nghi lễ, thuyết giảng, cầu nguyện, dâng hương, gắn hoa cài áo thể hiện lòng tôn kính với đấng sinh thành cầu mong cho gia đình mạnh khỏe và tưởng nhớ về những người thân đã khuất.
Ngoài ra, mùa Vu Lan tại Hà Tiên còn là dịp để tổ chức các các hoạt động thiện nguyện chung tay vì cộng đồng và giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Các hoạt động thường là phát quà, nấu cơm chay miễn phí, các chương trình văn nghệ phục vụ cho cư dân địa phương nhằm lan tỏa tình yêu thương và chia sẻ, gắn kết cộng đồng, thể hiện lòng nhân ái, yêu thương.
Tháng 10: Vẻ đẹp thiên nhiên mùa thu núi Thạch Động.
Thạch Động một thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất Hà Tiên, mang vẻ đẹp thiên nhiên huyền bí gắn liền với câu chuyện Thạch Sanh - Lý Thông. Khi gió thu nhẹ nhàng thổi qua, Thạch Động như khoác lên mình một tấm áo mới với những áng mây bồng bềnh trôi ngang đỉnh núi tạo nên cảnh sắc “động đá nuốt mây”, mà người xưa đã biết bao lần đề danh, xướng họa.
Mùa thu tại Thạch Động còn là thời điểm lý tưởng để khám phá với ánh nắng vàng óng ánh nhẹ nhàng chiếu qua từng khe đá tạo nên không gian huyền ảo. Ngôi chùa Tiên Sơn trong lòng núi càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, lắng đọng, hòa cùng những cơn gió thu nhẹ nhàng thổi qua mang theo mùi hương của cây cỏ mát dụi tạo cho du khách cảm giác bình yên và thư thái.
Tháng 11: Lễ hội truyền thống Kỷ niệm ngày mất Bà Mạc Mi Cô
Lễ giỗ Bà Mạc Mi Cô (Bà Cô Năm):Tưởng nhớ vị tiểu thư nhân từ, đức hạnh.
Lễ giỗ Bà Mạc Mi Cô (Bà Cô Năm) là một trong những lễ hội lớn tại thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Bà là người con gái thứ năm của Tổng trấn Mạc Thiên Tích và cháu gái của Đức Khai trấn Mạc Cửu, được người dân Hà Tiên tôn kính vì lòng nhân từ và đức hạnh, nổi danh khắp vùng. Bà mất sớm vào năm 14 tuổi, mọi người vô cùng yêu quý và tiếc thương một vị tiểu thư tài hoa bạc mệnh.
Cứ đến ngày 29 tháng 9 âm lịch hàng năm, Lễ giỗ Bà được tổ chức trang trọng tại ngôi mộ của Bà phía Tây chân núi Bình San và Công viên văn hóa Bình San với nhiều nghi lễ trang trọng như An chức sự, khai chung cổ, Thực hiện nghi thức tắm Bà, Lễ Tế Sanh, Cúng tiền hiền, hậu hiền. Cùng nhiều hoạt động hấp dẫn trong phần Hội như Chương trình văn nghệ tổng hợp, Các trò chơi dân gian, Gian hàng thương mại, du lịch và ẩm thực… thu hút rất đông người dân và du khách đến tưởng nhớ công đức của vị tiểu thư Mạc Mi Cô và cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Tháng 12: Lễ hội Ok Om Bok
Lễ hội Ok Om Bok, còn được gọi là Lễ cúng trăng, là một trong những Lễ hội quan trọng của người Khmer được tổ chức vào ngày Rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, Lễ hội này đánh dấu thời điểm kết thúc mùa mưa và bắt đầu mùa thu hoạch. Người dân tổ chức lễ cúng để tạ ơn thần Mặt trăng vì giúp người dân mang lại mùa màng bội thu và cầu cho mùa vụ tiếp theo được mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi.
Vào dịp này tại Hà Tiên, người dân Khmer sống tại Hà Tiên tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị lễ vật là các nông sản của địa phương như chuối, mía và làm những ăn truyền thống để cúng vào dịp lễ (cúng trăng). Một món ăn không thể thiếu đó là cốm dẹp làm từ nếp non và dừa sợi. Các ngôi chùa Khmer như chùa Xà Xía và chùa Mũi Nai, thường là nơi diễn ra các hoạt động chính của Lễ hội Ok Om Bok. Tại đây là nơi tổ chức lễ cúng trăng và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao. Những hoạt động này không chỉ mang lại niềm vui sự gắn kết cộng đồng mà còn giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer.